Ước gì các bạn trẻ đọc bài này trên Tuổi trẻ cuối tuần và có quyết định đúng đắn trước khi "vui vẻ một chút"
30.000 sinh linh trên 300m2 đất
Một góc nghĩa trang |
Nghĩa trang được chia làm ba khu, mỗi khu khoảng 100m2 đất, nhưng ở đó có tới hơn 30.000 nấm mộ.
Người sinh viên với những thI thể nhỏ
Hôm nay là ngày nghỉ nên anh Trương Văn Năng và Tống Viết Hiếu đang cặm cụi nhổ cỏ, phát bụi rậm và cắm vài cành hoa cúc trắng lên những nấm mồ. Nhìn những nấm mồ còn tươi màu đất mới, chúng tôi hỏi chuyện thì biết đây là nơi yên nghỉ của gần 40 em trong vòng chưa đầy một tuần qua. Các em vừa được chôn cất hôm trước trong cơn mưa Huế buồn tênh. Không giọt nước mắt người thân, không hòm, chỉ được đựng trong những bình đất, các bé được khâm liệm chu đáo bởi đôi bàn tay chai sạm của anh Hiếu và anh Năng. Phần vì không có đất, hơn nữa để các em đỡ hiu quạnh, quây quần bên nhau, các anh đã cho năm, bảy đứa ở chung một “nấm mồ”!
Anh Hiếu vừa cuốc cỏ, vừa trầm ngâm kể về ngày đầu tiên của nghĩa trang đặc biệt này: “Ngày ấy bây giờ tui vẫn nhớ như in. Vào một buổi tối đầu năm 1992, khi đang học năm 2 khoa Anh văn Trường ĐH Tổng hợp (bây giờ là ĐH Khoa học Huế) tui đi thăm một người bà con sinh con ở bệnh viện Huế. Trong lúc ở đó, tui thấy trước mặt khoa sản có một thùng rác lớn, đầy những con chuột to đùng...”.
Bà con thôn Ngọc Hồ làm vệ sinh nghĩa trang |
Đang là một sinh viên, trẻ người non dạ, không biết phải làm thế nào nhưng rồi Hiếu cũng tìm cách thuyết phục bệnh viện để họ làm thủ tục cho đem về chôn. Đem về không biết chôn ở đâu, nghĩ mãi anh mới nảy ý định đưa các em lên ngọn núi ở thôn Ngọc Hồ. Anh trốn nhà, một mình đem bọc nilông, thẻ hương, cầm theo cuốc lên núi cố bươi từng viên sỏi rất nhẹ nhàng để chó không sủa, dân làng không biết. Và kể từ đó anh bắt đầu say sưa với công việc kỳ lạ ấy. Ngày ngày đi học xong, anh lại ghé qua bệnh viện để thu lượm thi thể hài nhi mang về chôn cất trên núi Ngọc Hồ.
Từ ngày lượm được những thi hài đầu tiên đó, anh ăn không ngon ngủ không yên vì trong đầu luôn nghĩ: “Liệu giờ này ở nơi nào đó có thêm thi thể hài nhi nào bị bỏ không?”. Vậy là ngày ngày đi học xong anh lại tới các bệnh viện, bãi rác, đường vắng, công viên để tìm các bé về mai táng.
Suốt bảy năm trời anh chủ yếu bơi qua sông Hương để tìm thi thể các em, để nhận các em từ những người trong nhóm tình nguyện. Nhiều đêm mưa rét đò không có, Hiếu đành bơi qua sông mang các em về. Có lúc đang bơi giữa dòng anh bị chuột rút, không biết làm sao, nhưng có lẽ nhờ sự phù hộ của các linh hồn mà anh bơi được vào bờ. Anh nói: “Ở đời này ở hiền thì gặp lành. Không phải ai cũng làm được việc này mô”. Giờ đây tuy không còn phải bơi qua sông như cách đây 8-9 năm về trước vì đã có đường ôtô, nhưng anh vẫn ngày ngày chạy xe về phố tìm đón những hài nhi xấu số ấy đem về.
Anh lặng lẽ một mình làm việc này và nhiều người thấy việc làm đầy ý nghĩa của anh nên cùng tham gia, đến nay đã có gần chục thành viên.
Những tấm lòng
Những ngôi mộ mới |
Anh Trương Văn Năng - gia đình làm nông, nhà có sáu người con - nghẹn ngào: “Người ta sinh ra sống thì có cha mẹ, người thân chăm sóc. Chết thì có người chôn cất, có kèn trống, hương khói và tiếng than khóc tiễn đưa. Còn hơn ba vạn em bé ở đây thì không có được những điều ấy! Có chăng thì cũng chỉ vài người tìm đến cắm nhành hoa cúc ngồi cầu xin khấn vái mấy lời rồi ra đi. Hiếm lắm tui mới thấy vào cuối năm ngoái có một phụ nữ lớn tuổi, không biết là bà hay mẹ của đứa trẻ đến bên một ngôi mộ thắp nhang rồi ngồi đấy hơn hai giờ khóc xin tha thứ về tội lỗi”.
Anh Hiếu đã ngoại tứ tuần nhưng con anh mới 2 tuổi, vợ anh là giáo viên cấp 1, còn anh làm gia sư khắp đây đó để kiếm sống. Thế nhưng cứ cách một ngày, anh lại chạy xe máy về thành phố Huế, nơi các thành viên trong nhóm đã thu lượm các bé để đưa về chôn cất. Hiếu và Năng, cứ luân phiên nhau đi như thế ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Và gần 16 năm nay, hai anh và các thành viên đã gom được hơn 30.000 hài nhi về chôn cất dưới “mái nhà” ấy.
Các con anh Năng ngày ngày phải đạp xe hàng chục cây số để đi học nhưng có những lúc anh bận nhiều việc quá không đi được, các con anh lại thay anh đi nhận những bọc nilông ấy về cho ba chôn cất. Các em không ngại gì vì cho đó là việc làm phúc đức, là tấm lòng với các hài nhi đã khuất. Anh Năng cười buồn: “Các con tui đều ủng hộ tui. Sau này nếu tui không còn sức nữa đã có con tui thế chỗ làm việc phúc đức ni rồi. Rứa là yên tâm”.
Anh Hiếu, anh Năng và những người trong nhóm tình nguyện ấy không có mối liên hệ nào với các hài nhi thế nhưng các anh, các chị đã cố hết sức mình để bươi những lỗ huyệt trên núi đá, lo hương khói, xây mộ, lo nhổ cỏ, phát bụi... đủ mọi kiểu lo để các em được mồ yên mả đẹp.
Con ơi đừng khóc nữa
Anh Hiếu cuốc cỏ cho các em |
Họ vừa làm cỏ, quét rác vừa cầu khấn thì thầm. Không ai rơi nước mắt nhưng có lẽ họ đang nguyện cầu cho các em được siêu thoát. Mệ Hoàng Thị Lý nói: “Nhiều lúc thương các cháu lắm. Thỉnh thoảng tui lại chống gậy lên đây một mình để nói chuyện với các cháu cho chúng đỡ buồn và mình cũng thanh thản hơn. Tui mong răng những người cha người mẹ hãy gìn giữ máu thịt của mình”.
Chị Hoàng Thị Mỹ Hồng thì nói: “Tui hay lên đây với các cháu lắm, bởi chúng cô đơn buồn tủi nơi núi rừng hoang vu ni, lâu lâu mới có được nén nhang, bó hoa của anh Hiếu, anh Năng, vì hai anh cũng nghèo lắm, lấy mô ra tiền mà hương khói thường xuyên được”.
Đâu đó vẫn còn những thi thể hài nhi chưa được chôn cất, đó là thất vọng duy nhất của anh Năng, anh Hiếu khi nói về công việc mình làm.
NGỌC QÚY
Đúng là người mong tìm thì không ra, kẻ có được thì đang tâm đi bỏ...Sao có nhiều người ác thế nhỉ?
Trả lờiXóaHiếm có người như vậy ở trên đời. Kể cả bản thân mình. Suy nghĩ được từ trong tâm là vậy nhưng liệu có dám làm vậy k?
Trả lờiXóa