- Thứ sáu tuần thánh : Đức Giêsu kêu một tiếng lớn rồi tắt thở - biến cố để lại cho chúng ta một cảm giác hoang mang, hỗn mang, trống rỗng : không còn gì để nói, không có gì để nghĩ hay đáng để suy nghĩ nữa. Quả thực, chúng ta đã ra về trong thinh lặng, giống như các môn đệ ra đi sau cái chết của thầy mình : tất cả đều sụp đổ, tất cả trở thành vô nghĩa đến mức đáng sợ. Giuđa không chịu nổi đã đi treo cổ tự vẫn. Phêrô ra ngoài khóc lóc thảm thiết, có lẽ ông cũng như Adam hay Cain, chạy trốn ngay cả chính mình một cách vô vọng. Nếu có sống thì cũng như đã chết, một cuộc sống như thể bị nguyền rủa : giá tôi đừng sinh ra thì hơn !
- Thế nhưng đêm nay, thứ bảy tuần thánh chúng ta cử hành một biến cố đã làm xoay chuyển tất cả, một khởi đầu hoàn toàn mới, mang tính chất quyết định đối với từng người chúng ta và với cả lịch sử nhân loại. Quả vậy, phục sinh là biến cố mang tính chất quyết định đến nỗi, có thể lấy lại lời của Thánh Phaolô trong 1 Cor 15, 12-19 để nói rằng : “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, vậy thì lời rao giảng của chúng tôi thật hư không và hư không nữa việc anh em tin. Và chúng tôi hóa thành những người làm chứng gian cho Thiên Chúa… Và nếu Đức Kitô đã không sống lại…thì quả ta là những kẻ khốn nạn nhất trong cả thiên hạ”. Đó là diễn tả theo lối phủ định, còn diễn tả theo lối khẳng định thì cũng có thể lấy lại chính lời của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philiphê 4,4 để nói rằng : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em ! …Vì Chúa ở gần bên !” Vì Chúa đã phục sinh !
- Vậy biến cố phục sinh là biến cố gì ? – Đọc lại Tin Mừng theo Thánh Matthêu. Ít nhất 3 điều gợi ra để chúng ta có thể tiếp cận, đến gần và hiểu một chút gì về biến cố khôn tả đó :
- Kinh nghiệm về Ánh Sáng : theo tường thuật của Thánh Matthêu thì : “Thình lình, đất rung chuyển dữ dội : thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra rồi ngồi lên trên ; diện mạo Người như ánh chớp và y phục trắng như tuyết”. Lời tường thuật đó khiến ta nhớ lại biến cố biến hình của Đức Giêsu trên núi cao, trong biến cố đó “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” và Ngài đàm đạo với Môsê và Elia, nói khác đi, biến cố biến hình cũng như ánh sáng chiếu tỏa từ biến cố phục sinh có liên hệ tới toàn thể lịch sử của Dân Israel, một dân mà tiên tri Isaia cũng như các tiên tri khác đã mô tả là “bước đi trong đêm tối”. Xa hơn nữa ta nhớ đến khuôn mặt trở nên chói lòa của Môsê sau khi ông được diện kiến Thiên Chúa. Chói lòa đến nỗi dân chúng đã phải che mặt vì không thể nhìn trực tiếp được. Đấng Phục Sinh là Đấng chiếu tỏa ánh sáng của Thiên Chúa, phản ánh chính Dung Nhan của Thiên Chúa, và hơn nữa tỏ cho ta thấy Khuôn Mặt của Thiên Chúa đang quay về phía chúng ta, cho dù, Adam, Cain, Giuđa, Phêrô hay tất cả chúng ta có quay đi hoặc tìm cách chạy trốn Ngài : Adam ngươi ở đâu ? Chỉ khác một điều, lời đó bây giờ không mang tính chất đe dọa cho bằng là lời ủi an, đem lại hy vọng : “Đừng sợ, Ta bên cạnh con đây”. Và xa hơn nữa, ta nhớ đến sách Khởi Nguyên, khi Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất, khi tất cả còn ở trong hỗn mang, trong tăm tối mịt mù, thì Thiên Chúa phán “hãy có ánh sáng !” Fiat Lux (St 1,3) . Biến cố Phục Sinh là biến cố của Ánh Sáng, tạo nên Ánh Sáng, đem đến Ánh Sáng, bất chấp bóng tối đến mức thế nào đi nữa ! Nói như thế cũng có nghĩa là, ai tin vào Đức Kitô thì không thể sống trong bóng tối, không thể mang cái nhìn đen tối về cuộc sống. Kitô hữu tự căn bản là người đón lấy ánh sáng, đón lấy niềm vui mà Đức Kitô mang lại cho mình cũng như cho anh em mình, bất kể cuộc sống có đen tối hay đáng thất vọng đến như thế nào… Đừng bao giờ quên rằng, chúng ta bước vào đời sống Kitô hữu với một ngọn nến trong tay !
- Kinh nghiệm của lòng mến : “Này các bà đừng sợ, tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói…Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói : “Chào các bà !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân Người” ! Ta còn nhớ những người phụ nữ được gặp Đức Giêsu phục sinh đầu tiên cũng chính là những người đã âm thầm đi theo Chúa từ đầu, đã âm thầm phục vụ Chúa, đã ở lại cho đến cùng, ngay cả khi phiến đá đã lấp mộ thì họ vẫn ngồi đó nhìn vào mộ - theo trình thuật của Matthêu – Họ đã dành cho Chúa một lòng mến chân thành và đơn giản nhất, không đòi bất cứ tước hiệu hay địa vị nào cả, chỉ biết là mình theo Chúa, làm chút gì đó cho Đấng mà mình yêu mến, thế thôi ! Nhưng cũng chính nhờ một lòng mến, một tình yêu như thế mà cuối cùng họ đã gặp được một Tình Yêu mạnh hơn sự chết, tuyệt đối lớn lao, tuyệt đối trung tín, vượt ra ngoài những gì họ tưởng. Cuối cùng thì họ đã được diễm phúc ôm chân Chúa. Từ câu chuyện của những phụ nữ theo Chúa chúng ta có thể rút ra điều này : gặp gỡ Đấng Phục Sinh là kinh nghiệm của lòng mến. Ai không yêu mến thì đừng mong gặp gỡ Chúa. Và hơn nữa, nếu không thực lòng yêu mến, phục vụ Đấng Chịu Đóng Đinh thì khó có thể nhận ra Đấng Phục Sinh.
- Cuối cùng, kinh nghiệm về biến cố phục sinh là một kinh nghiệm mở ra với sứ vụ. “Đức Giêsu nói với các phụ nữ : Hãy báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ gặpThầy ở đó”. Tại sao không gặp các môn đệ ở đây, ngay mồ trống mà phải là Galilê. Đoạn kết của Tin Mừng Matthêu cho chúng ta câu trả lời : vì Galilê là cửa ngõ mở ra với thế giới. Và quả thực, chính tại Galilê mà Đức Giêsu đã gặp gỡ và sai các môn đệ đến với thế giới, đến với mọi con người : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Như thế cũng có nghĩa là : hãy gặp gỡ Đấng Phục Sinh nơi mọi con người mà các môn đệ được sai đến để yêu thương phục vụ. “Chúa Phục Sinh ở đâu ? - Ở nơi tha nhân”. Quả vậy, trong dụ ngôn về ngày Cánh Chung trong Tin Mừng Matthêu, mỗi người chúng ta cuối cùng đều phải đối diện với câu hỏi này : Ta đói, Ta khát, Ta yếu đau, Ta mình trần, Ta yếu đau, Ta ở tù, ngươi có tiếp đón Ta không ?
Đấng Phục Sinh là Đấng đang ở giữa chúng ta như là Sự Sống, như là Ánh Sáng và vẫn đang đến với chúng ta, có khi với lời ủi an, nâng đỡ : “Thầy đây, đừng sợ” ; nhưng có khi dưới hình hài của một ai đó khốn khổ, đang chờ đợi được yêu thương…
(Cảm ơn Cha Lâm rất nhiều)