(VietCatholicNews 25/12/2007) Anh chị em thân mến, “Bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2:6-7). Những lời này làm thổn thức tâm hồn chúng ta mỗi khi nghe lại. Đó là giây phút mà thiên thần đã tiên báo tại Nagiarét: “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1:31-32). Đó là giây phút mà Israel đã hằng trông đợi trong nhiều thế kỷ, trải qua nhiều giờ khắc đen tối - giây phút mà toàn thể nhân loại cách nào đó trông chờ, trên những phương diện tuy còn định nghĩa mù mờ như: khi nào Thiên Chúa chăm sóc chúng ta, khi nào Ngài bước ra khỏi tháp ngà của mình, khi nào thế giới được cứu rỗi và khi nào Thiên Chúa sẽ canh tân mọi sự. Chúng ta có thể tưởng tượng ra hình thức chuẩn bị nội tâm này cũng như tâm tình của Mẹ Maria khi giờ phút này đến gần. Cụm từ ngắn gọn “Bà lấy tã bọc con” cho phép chúng ta thấy thấp thoáng một cái gì đó của niềm vui thánh thiện và lòng nhiệt thành lặng lẽ trong việc chuẩn bị này. Tã đã sẵn sàng, để con trẻ có thể được chào đón xứng đáng. Tuy nhiên, không có chỗ trong phòng trọ. Cách nào đó, nhân loại đang ngóng chờ Thiên Chúa, chờ đợi Ngài đến gần. Nhưng khi giờ phút ấy xảy đến, lại không có chỗ cho Ngài. Con người quá bận rộn với chính mình, con người có những nhu cầu cấp bách ở mọi nơi mọi lúc cho những vấn đề của riêng mình đến nỗi không còn gì còn lại cho những người khác, cho người lân cận, cho người nghèo, cho Thiên Chúa. Và con người càng trở nên giầu có bao nhiêu thì họ càng bị choáng ngợp bởi chính mình bấy nhiêu, và càng ít có chỗ cho người khác bấy nhiêu. Thánh Gioan, trong Phúc Âm của ngài, đã đi vào trọng tâm của vấn đề, khi đào sâu thêm trình thuật ngắn ngủi của Thánh Luca về hoàn cảnh tại Bêlem: “Người đã đến nhà mình, nhưng dân Người chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11). Điều này đề cập đến trước hết và trên hết là Bêlem: Con Vua Đavít đến với chính bản quán của mình, nhưng phải sinh ra trong máng lừa, vì không có chỗ cho ngài trong phòng trọ. Sau nữa, nó liên hệ đến Israel: Đấng đã được sai đến với dân Người, nhưng họ không cần Người. Và thực sự, nó liên hệ đến toàn thể nhân loại: Đấng mà nhờ Người mà thế gian được tạo thành, Đấng Tạo Hóa – Ngôi Lời từ muôn đời, đã bước vào thế giới, nhưng Ngài không được lắng nghe, không được tiếp nhận. Những lời này tối hậu liên hệ đến chúng ta, mỗi người chúng ta và toàn thể xã hội. Chúng ta còn có thời giờ không để dành cho người lân cận, người đang cần đến một lời an ủi của chúng ta, của tôi, hay đang cần đến niềm cảm thông của tôi? Chúng ta còn có thời giờ không để dành cho những người đau khổ đang cần đến sự giúp đỡ? Chúng ta còn có thời giờ không để dành cho người đang phải trốn tránh hay người tỵ nạn đang cần đến nơi nương tựa? Chúng ta còn thời gian và không gian cho Chúa không? Ngài còn có thể bước vào cuộc đời chúng ta không? Ngài còn tìm được chỗ trong ta, hay chúng ta đã dành mọi chỗ trong tư tưởng, trong hành động, trong cuộc đời chúng ta cho chính mình? Tạ ơn Chúa, cái chi tiết tiêu cực này không phải là điều duy nhất, cũng chẳng phải là điều sau cùng chúng ta thấy trong Phúc Âm. Chính trong Phúc Âm Thánh Luca, chúng ta gặp được tình mẫu tử của Mẹ Maria và lòng trung tín của Thánh Giuse, sự cảnh giác của các mục đồng và niềm hân hoan lớn lao của họ; cũng như trong Phúc Âm Thánh Matthêu khi chúng ta đối diện với cuộc viếng thăm của những nhà thông thái đến từ phương xa; và Thánh Gioan cũng nói với chúng ta: “Phàm những ai đón nhận Người thì Người ban cho quyền năng trở thành con cái Thiên Chúa” (Ga 1:12). Có những người đón nhận Ngài, và vì thế, bắt đầu từ máng lừa này, từ bên ngoài, đã lặng lẽ lớn lên một ngôi nhà mới, một thành phố mới, một thế giới mới. Sứ điệp Giáng Sinh làm cho chúng ta nhận ra sự tối tăm của một thế giới đóng kín, và qua đó không chút nghi ngờ gì, sứ điệp này đang minh họa một thực tại chúng ta chứng kiến hàng ngày. Tuy nhiên, sứ điệp Giáng Sinh cũng nói với chúng ta rằng Thiên Chúa không để cho chính mình bị gạt ra ngoài. Ngài tìm một chỗ, ngay dù chỗ ấy có nghĩa là phải bước vào một máng lừa; để rồi có những con người thấy ánh sáng của Ngài và thông truyền ánh sáng ấy. Qua lời Tin Mừng, thiên thần cũng nói với chúng ta, và trong phụng vụ thánh ánh sáng của Đấng Cứu Độ bước vào cuộc đời ta. Dù chúng ta là những mục đồng hay những “nhà thông thái” – ánh sáng và sứ điệp của nó cũng mời gọi chúng ta cất bước để thoát ra cái vòng chật hẹp của ham muốn và lợi lộc để gặp Chúa và thờ lạy Ngài. Chúng ta thờ lạy Ngài bằng cách mở thế giới này ra cho sự thật, cho điều thiện, cho Chúa Kitô, và cho sự phục vụ những ai bị gạt ra ngoài lề và những ai đang trông đợi chúng ta. Trong nhiều khung cảnh Giáng Sinh từ cuối thời Trung Cổ và đầu thời hiện đại, máng lừa được mô tả như một cung điện đổ nát. Người ta có thể nhận ra được vẻ huy hoàng xa xưa của nó, nhưng nay nó trở thành một tàn tích, những vách tường đang sụp dần – thật ra, nó đã trở thành một máng lừa. Mặc dù điều này thiếu cơ sở lịch sử, sự diễn dịch đầy tính ẩn dụ này dẫu sao cũng diễn tả một điều gì rất thật được che dấu trong mầu nhiệm Giáng Sinh. Ngai vua Đavít, được đoan hứa tồn tại đến muôn đời, đứng trơ trọi. Những kẻ khác đang cai trị Thánh Địa. Giuse, miêu duệ của Đavít, chỉ là một thợ thủ công bình thường; và cung điện, thực ra, đã trở thành một cái hang. Chính Đavít đã bắt đầu đời mình như một trẻ mục đồng. Khi tiên tri Samuel tìm ông để xức dầu, có vẻ nhưng không thể và nực cười là một cậu bé mục đồng như thế lại trở thành người mang lấy lời hứa của Israel. Trong máng lừa Bêlem, nơi chính thành phố mà mọi sự đã khởi đầu, vương quyền Đavít lại bắt đầu một cách mới mẻ - nơi hài nhi bọc trong tã, được đặt nằm trong máng cỏ. Ngai vàng mới từ đó Vua Đavít này lôi kéo thế giới về với Ngài chính là Thánh Giá. Ngai vàng mới – là Thánh Giá – phù hợp với một khởi đầu mới từ máng lừa này. Nhưng đó chính thật là cách thức mà cung điện vua Đavít thực sự, vương quyền thực sự đang được thành hình. Cung điện mới này khác quá xa với những gì con người tưởng tượng về cung vàng điện ngọc và vương quyền. Đó là cộng đoàn của những ai để mình bị lôi cuốn bởi tình yêu Chúa Kitô và vì thế trở thành cùng một nhiệm thể với Ngài, một nhân loại mới. Quyền năng đến từ Thánh Giá, quyền năng của điều thiện cho đi chính mình – đây chính thật là vương quyền thật sự. Máng lừa trở thành một cung điện – và từ khởi điểm này, Chúa Giêsu xây dựng cộng đoàn mới to lớn gồm những người đã được các thiên thần hát khen trong giờ phút giáng sinh của Ngài: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới thế cho người Chúa yêu” – cho những ai đặt ý chí mình trong ý chí của Người, qua đó trở thành những con cái của Thiên Chúa, những con người mới, một thế giới mới. Thánh Grêgôriô thành Nyssa, trong những bài giảng Giáng Sinh của ngài, đã phát triển cùng một quan điểm như sứ điệp Giáng Sinh trong Phúc Âm Thánh Gioan: “Người đã dựng lều giữa chúng ta” (Ga 1:14) . Thánh Grêgôriô áp dụng đoạn này trên cái lều là thân xác chúng ta, một thân xác đã mòn và yếu ớt, trơ ra mọi chỗ đau đớn và chịu đựng. Và ngài cũng áp dụng điều đó cho toàn thể hoàn vũ đang tả tơi và biến dạng vì tội lỗi. Ngài sẽ nói gì khi chứng kiến tình trạng thế giới hôm nay, với những lạm dụng năng lượng và sự khai thác ích kỷ và bất chấp hậu quả. Thánh Anselm thành Canterbury, trong một cách thế rất tiên tri, đã mô tả một thị kiến về điều mà chúng ta ngày nay đang chứng kiến nơi một thế giới ô nhiễm với một tương lai bất trắc: “Mọi thứ dường như đã chết, và mất đi phẩm giá đã được tạo thành để phục vụ những ai ca ngợi Thiên Chúa. Những yếu tố của thế giới bị bóp nghẹt, chúng mất đi vẻ huy hoàng vì bị lạm dụng bởi những kẻ làm nô lệ cho ngẫu tượng của họ, cho những thứ đã không được tạo thành” (PL 158, 955f.) Vì thế theo quan điểm của Thánh Grêgôriô, máng lừa trong sứ điệp Giáng Sinh tượng trưng cho một thế giới bị đối xử tàn tệ. Điều mà Chúa Kitô xây dựng lại không phải là một cung điện bình thường. Ngài đã đến để khôi phục lại vẻ đẹp và phẩm giá của tạo vật, của vũ trụ: đây là điều đã bắt đầu trong lễ Giáng Sinh và là điều khiến các thiên thần hân hoan. Trái đất được khôi phục trật tự tốt đẹp nhờ vào sự kiện là nó mở lòng ra cho Thiên Chúa để nhận lấy ánh sáng thực cách mới mẻ; và trong sự hài hòa giữa ý chí con người và thánh ý Thiên Chúa, trong sự giao hòa giữa trời và đất, nó lấy lại được vẻ đẹp và phẩm giá của mình. Thành ra, Giáng Sinh là một ngày hội mừng cho sự khôi phục tạo vật. Chính trong bối cảnh này mà các Nghị Phụ đã diễn dịch bài ca của các thiên thần trong đêm linh thánh này: đó là một thể hiện của vui mừng trên sự kiện là tầng cao và vực sâu, Trời và Đất, lần nữa lại giao hòa, con người lại kết hiệp với Thiên Chúa. Theo các Nghị Phụ, một phần trong lời ca của các thiên thần nói lên rằng các thiên thần và con người có thể đồng ca với nhau và qua đó vẻ đẹp của vũ trụ được diễn tả nơi vẻ đẹp của bài tụng ca. Cũng theo các Nghị Phụ, nhạc Phụng Vụ có một phẩm giá đặc biệt vì nó được hát lên cùng với các ca đoàn thiên sứ trên trời. Chính sự gặp gỡ với Chúa Giêsu khiến chúng ta có thể nghe thấy bài ca các thiên thần, và qua đó tạo ra một thứ âm nhạc thực sự mà sẽ tàn đi khi chúng ta đánh mất tính chất cùng hát cùng nghe này. Nơi máng lừa Bêlem, Trời và Đất gặp nhau. Trời đã xuống cùng Đất. Vì lý do đó, một luồng sáng chiếu soi từ máng lừa này cho mọi thời đại; vì lý do đó niềm vui bùng nổ; vì lý do đó bài ca được sinh ra. Ở phần cuối của suy niệm Giáng Sinh này tôi muốn trích dẫn một đoạn từ Thánh Âu Tinh [Augustinô]. Khi diễn dịch Kinh Nguyện của Chúa: “Lạy Cha chúng con Đấng ngự ở trên Trời”, ngài đặt câu hỏi: Trời là gì? Trời ở đâu? Và một lời đáp thật bất ngờ: “..Đấng ngự ở trên Trời – nghĩa là nơi các thánh và nơi những người công chính. Vâng, các tầng trời là những thực thể cao nhất trong vũ trụ, nhưng các tầng trời vẫn chỉ là những thực thể, không tồn tại được trừ phi trong một nơi chốn nhất định. Nếu chúng ta tin là Thiên Chúa ngự ở các tầng trời, nghĩa là ở chốn cao xa nhất của thế giới, thì những con chim may mắn hơn chúng ta, vì chúng có thể sống gần Thiên Chúa hơn. Nhưng chẳng có lời nào chép rằng ‘Thiên Chúa gần những ai sống trên các cao nguyên hay trên những đỉnh núi’. Trái lại có lời chép: ‘Thiên Chúa gần gũi với những tâm hồn tan nát’ (Tv 34:18[33:19]), một thành ngữ ám chỉ đến sự khiêm nhường. Như người tội lỗi được gọi là ‘Đất’, ngược lại, người công chính có thể được gọi là ‘Trời’” (Sermo in monte II 5, 17). Trời không thuộc về không gian địa lý nhưng thuộc về địa lý của con tim. Và con tim của Thiên Chúa trong đêm thánh thiện này, hạ xuống trong máng lừa: sự khiêm hạ của Thiên Chúa là Trời. Và nếu chúng ta tiếp cận sự khiêm hạ này, chúng ta động được đến Trời. Lúc đó Trái Đất được canh tân. Với sự khiêm hạ của những mục đồng, chúng ta hãy tiến bước trong Đêm Cực Thánh này hướng về Hài Nhi trong máng lừa! Chúng ta hãy động đến sự khiêm hạ của Thiên Chúa, đến con tim của Thiên Chúa! Khi đó niềm vui của Ngài sẽ động đến chúng ta và sẽ khiến cho thế giới được rạng ngời hơn – Amen. © Copyright 2007 -- Libreria Editrice Vaticana |
J.B. Đặng Minh An dịch |
Đường sắt xuyên biên giới Trung - Việt sẽ được nâng cấp và kết nối như thế
nào?
-
*Phù Khiết Văn*
*符**洁**文:中越跨境**铁**路到底怎么升**级**、**对**接**?*, *Guancha*, 02/01/2025
*Lê Thị Thanh Loan* biên dịch
Cuối năm 2024, dự án đường sắt khổ tiêu ...
17 giờ trước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét