Ảnh trong tuần

Ảnh trong tuần

27 thg 8, 2007

Phụ nữ chủ nhật - 19/8/2007

Trinh Hoan lập hãng phim để làm đầy tớ

Sau gần hai tháng miệt mài với bộ phim truyện nhựa “Trăng nơi đáy giếng”, chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức, nhà quay phim Trinh Hoan lại vội vã ôm máy đi ghi hình bộ phim truyện nhựa “Nụ hôn thần chết” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

- Anh có thể tiết lộ đôi chút về hai bộ phim vừa quay và đang quay?

- Trăng nơi đáy giếng lấy bối cảnh chính là Huế, chủ yếu là cảnh nhà vườn ở Thành nội. Thời tiết ở đây quá tốt nên tôi đã ghi được nhiều cảnh đẹp. Còn Nụ hôn thần chết bấm máy ở một phim trường được cải tạo từ một nhà kho ở quận 8 TP HCM. Phim của Dũng “Khùng”, bạn tôi, nên chắc cũng sẽ là một phim... không giống ai mà hẳn là đến ngày trình chiếu mới biết chắc nó như thế nào.

- Ai là người "vẽ đường" cho anh vào điện ảnh?

- Gia đình tôi khá đông anh em. Anh Vinh Sơn là anh Ba, còn tôi út Mười. Lúc nhỏ, tôi không có khái niệm gì về điện ảnh. Tôi thích kỹ thuật, định sau này sẽ thi vào Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp. Gia đình tôi lúc ấy sống chủ yếu bằng nghề chụp hình dạo. Những năm học cấp 3, tôi vừa học vừa theo anh Hai xách máy đi chụp hình đám cưới, đám ma. Quá quen với máy chụp hình, lại có ông anh ruột vừa tốt nghiệp đại học đạo diễn về nên tôi quyết định thi vào khoa Quay phim trường Điện ảnh TP HCM.


Trinh Hoan trên trường quay "Áo lụa Hà Đông". Ảnh: Tuổi Trẻ.

Chúng tôi tốt nghiệp ra trường đúng vào thời điểm phong trào làm phim ca nhạc nở rộ nên nghề quay phim trở nên đắc dụng, thu nhập hơn hẳn nghề đạo diễn điện ảnh của anh tôi. Rồi khi anh Vinh Sơn làm đạo diễn đầu tay phim truyện nhựa Tuổi thơ dữ dội, có lẽ không dám mời ai nên “xách đầu” thằng em đi quay. Không ngờ đó lại là cơ may của cả hai anh em tôi, bởi bộ phim sau đó đoạt giải cao tại Liên hoan phim VN lần thứ 9 tại Nha Trang năm 1990. Sự khởi đầu may mắn này đã kết hợp hai anh em tôi thành cặp bài trùng ăn ý trong nhiều bộ phim video, trong đó đáng nhớ nhất là bộ phim truyền hình 13 tập Đất phương Nam.

Đối với tôi, trong gia đình, do cách xa nhau về tuổi tác, anh Vinh Sơn vừa là anh vừa như người cha. Trong nghề nghiệp, anh chẳng khác gì người mở đường cho tôi, vì nếu không có anh, chưa chắc tôi đã đến nghề này. Anh là người sống chỉn chu, kiên định và tính tình cực kỳ dễ chịu. Điều tôi phục nhất ở anh là sự chịu đựng.

- Nhà quay phim, dù tài năng đến mấy cũng là “cấp dưới” của đạo diễn ở phim trường. Anh nghĩ sao về việc đổi nghề để vươn lên làm “cấp trên”?

- Tôi không nghĩ có cấp trên cấp dưới gì ở đây, mà từng thành viên trong tổ chế tác của một bộ phim đều được xem là đồng sáng tạo, mỗi người chịu trách nhiệm phần việc phù hợp với khả năng của mình. Tôi đã và đang có nhiều cơ hội làm đạo diễn nhưng tôi xác định không làm vì năng khiếu và “phẩm chất” tốt nhất của tôi là ở công việc quay phim.

- Trong phim “Áo lụa Hà Đông”, lần đầu tiên làm việc chung với đạo diễn Lưu Huỳnh, anh có nhận xét gì về cách làm việc của đạo diễn Việt kiều này?

- Tôi không dại gì làm cuộc so sánh giữa đạo diễn Việt kiều và trong nước, chỉ xin nói đôi điều cảm nhận khi làm việc chung với anh Lưu Huỳnh. Phải nói là tôi đã học được khá nhiều điều ở anh, một người có tư duy về hình ảnh rất tốt. Kịch bản phân cảnh của anh được vẽ bằng hình nên chúng tôi có thể trao đổi một cách rất cụ thể, không mông lung như một số phim tôi đã làm. Anh đòi hỏi rất cao về nghề nghiệp ở các cộng sự nên ai cũng nỗ lực tối đa mới đáp ứng được.

Anh thường nói một câu nghe rất dễ sốc “Tôi muốn vậy!”. Câu đó khiến mình tự ái phải tìm đủ cách để vượt qua những hạn chế về kỹ thuật để thực hiện cho bằng được. Công việc của chúng tôi rất dễ cãi nhau, nhưng ở phim này tuyệt nhiên điều đó không xảy ra vì mọi người đều hiểu vị trí của mình. Tôn trọng nhau để đạt hiệu quả tốt nhất cho phim. Đạo diễn trong nước hay nói: “Khó quá thì bỏ!”, còn ở đây: “Khó quá thì tìm cách khác làm cho được!”. Cách làm việc của anh Lưu Huỳnh mang tính chuyên nghiệp, mọi việc đều được cho thời gian và cơ hội để chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng, không chấp nhận việc “đẻ” tại chỗ.

Tỷ như ở cảnh chị Dần ôm xác con, đạo diễn muốn có cú máy lạ thường, làm cho hình ảnh nhoè lên nhằm mô tả cảm xúc, chúng tôi phải chế ra thiết bị đặc biệt. Có thiết bị nặng hàng tấn, chúng tôi phải đặt làm tại TP HCM cả tháng trước, rồi thuê tàu hỏa chở ra Hội An. Ý tưởng của đạo diễn trong Áo lụa Hà Đông nhiều cảnh rất “phiêu linh”, may là nhà sản xuất cũng “chịu chơi” nên sẵn sàng đáp ứng. Chẳng hạn, để chuyển thời gian bằng hình ảnh hai dòng sông, một ở Ninh Bình, một ở Hội An, nhà sản xuất phải bỏ ra 30.000 USD để thuê chiếc máy quay bay (flying camera) từ Hong Kong (do phi công tự chế nên chỉ có mấy chiếc trên thế giới).

- Anh có suy nghĩ gì về hiện trạng của điện ảnh Việt Nam?

- Điện ảnh Việt Nam mình hiện đầu tư bị lệch hướng, không đồng bộ, không tập trung, không đào tạo con người làm nghề cho tử tế. Tôi cảm thấy rất buồn khi mình phải qua Thái Lan làm hậu kỳ phim. Nếu so về máy móc thiết bị, có lẽ mình không thua gì mấy, nhưng mình không có sự đồng bộ về con người, không có các kỹ thuật viên giỏi nghề. Khi đưa phim Những cô gái chân dài qua Thái Lan làm hậu kỳ, tôi rất tự hào vì được là người đưa bộ phim thương mại đầu tiên đi nước ngoài. Nhưng đi lần thứ hai, rồi lần thứ ba thấy quy trình của họ cũng đơn giản mà mình làm không được, tôi xấu hổ quá nên không muốn đi nữa.

- Nhưng anh nay đã là ông chủ của hai đơn vị: HK phim và HK production. Nhìn lại sự nghiệp từ khi bắt đầu cầm máy quay đến nay, anh thấy mình đạt được những gì?

* Trinh Hoan luôn hài lòng với hiện tại

* Trinh Hoan: 'Làm phim là nghề phụ nhưng thu nhập chính'

* Trinh Hoan làm mọi chuyện đều vì gia đình

- Tôi tự cảm thấy mình có thành công. Với tôi, thành công là cảm thấy hài lòng với cuộc sống, hài lòng với công việc. Tôi lập hãng phim không phải để làm chủ mà thật ra là làm... đầy tớ. Trước đây, tôi có tham vọng muốn thông qua công việc đào tạo nhân lực cung cấp cho các đoàn phim cùng với trang thiết bị, nhưng chưa làm được bao nhiêu vì nghề chưa đủ sức hút.

Chúng tôi đã tuyển từ nhiều nguồn được ba người có tố chất trở thành thư ký trường quay cho đi thực tế, nhưng sau khi theo được một phim, cả ba người đều xin nghỉ. Nghề làm phim cực nhọc, đi sớm về khuya, giờ giấc không ổn định, mức lương lại chưa hấp dẫn nên không ai muốn con em mình theo nghề.

Tôi nghĩ, làm phim ở nước ta hiện nay chỉ có hai loại người: Hoặc quá đam mê, hoặc không biết làm gì khác. Cảm giác thật của tôi bây giờ là phải chi đừng lập hãng phim thì hay hơn. Làm “ông chủ hãng” như tôi hiện nay mất nhiều hơn được. Có người xem công danh sự nghiệp là quan trọng nhất, còn với tôi, điều lớn hơn hết là gia đình. Những cái được từ hãng phim không bù lại đủ cho cái mất.

- Một gia đình như thế nào là vừa ý anh nhất và phụ nữ có ý nghĩa gì trong cuộc đời anh hiện nay?

- Một gia đình như tôi đang có: Một vợ, bốn con. Phụ nữ chiếm 3/4 cuộc đời tôi vì tôi có đến ba cô con gái. Vợ tôi không phải là hoa hậu hay người mẫu, con gái tôi cũng không đòi hỏi phải học nhất lớp. Quan trọng nhất là các thành viên trong gia đình lúc nào cũng quan tâm đến nhau. Điều duy nhất tôi muốn có ở các con của mình là trở thành người có nhân cách, biết quan tâm tới những người xung quanh.

Giờ đây tôi muốn có nhiều thời gian hơn nữa dành cho gia đình chứ như hiện nay, hầu như ngày nào tôi cũng phải đi làm, không kể gì chủ nhật hoặc ngày lễ. Đến nỗi khi con tôi phải nằm bệnh viện, tôi cũng không thể sắp xếp được để vào ở với con nên thấy mất là ở chỗ đó.

(Theo Phụ Nữ Chủ Nhật)

4 nhận xét:

  1. Born To Be FREE28/8/07

    để sang năm em vào đỡ việc cho bác Hoân có thời gian chăm sóc bé Sóc nhé :-P

    Trả lờiXóa
  2. huynh phuc dien8/9/07

    Gia dinh` hanh phuc!

    Trả lờiXóa
  3. huynh phuc dien8/9/07

    Gia dinh` hanh phuc!

    Trả lờiXóa

Tổng số lượt xem trang