Đầu tiên là những quan niệm về cuộc sống ở đây. Từ những người rất thân như anh em họ hàng, như những bạn đồng nghiệp thuở trước, và từ những người chỉ mới gặp một lần. Quan niệm và cảm nhận của tất cả đều giống nhau. Đó là cố gắng hết sức mình, chấp nhận mọi ky sinh cho tương lai của mấy đứa nhỏ, kể cả chấp nhận việc có thể đang từ từ mất con - qua việc hai thế hệ trong một gia đình, hai lối sống, hai luồng tiếp xúc - và cả hình dung việc con sẽ đưa mình vào nhà dưỡng lão khi về già.
Và những cảm nhận của người Việt ở đây về những người Việt xung quanh. Vẫn còn đó những cái chưa hay của người Việt - niềm tự hào của họ là tôi ở một khu xung quanh toàn Mỹ! Nhưng có một điểm rút ra là: cũng những người Việt với những hay dở của người Việt, nhưng nếu đặt trong một xã hội như ở đây thì cộng đồng này khác hẳn khi đặt trong một xã hội kha1x. Đáng để suy nghĩ ha!
Và cả những chia sẻ rất hay như bài viết dưới đây của một cô gái sau khi xem các phim ngắn về dân nhập cư. Ai có giờ thì đọc thêm để hiểu thêm về tâm tư của "việt kiều" ha.
Điểm cuối cùng - Mấy cái phim này lay động lòng người vì nó phản ánh được dù là một lát cắt nhỏ của người xem, và họ đồng cảm được. Cũng là một gợi ý cho các bạn trẻ sắp làm phim!
Từ những phim rất ngắn tại ViFF 2009, nhớ về đời di dân Tuesday, April 14, 2009 | ||
| ||
| ||
Ngọc Lan Tôi không phải là người hiểu nhiều về phim ảnh và cũng chưa bao giờ được xem những bộ phim ngắn chỉ giới hạn trong 7 phút, 17 phút hay dài hơn một chút thì vẫn chưa đến 30 phút. Chính vì vậy mà tôi đến với buổi chiếu phim mang chủ đề “It's An Immigrant Life” (Tạm dịch: Cuộc Sống của Dân Nhập Cư) vào ngày Thứ Sáu vừa qua tại Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế lần thứ 4 (Vietnamese International Film Festival - ViFF 2009) do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) và Hội Ngôn Ngữ Văn Hóa Việt Nam (VNLC) thuộc trường đại học UCLA tổ chức tại viện bảo tàng Bowers, Santa Ana, ngoài một chút đồng cảm ở thân phận cũng là dân nhập cư đến đây chưa lâu, còn là do sự tò mò xem người ta có thể chuyển đến khán giả điều gì trong những bộ phim với ngần ấy thời gian. Và câu trả lời mà tôi nhận được vượt xa hẳn những gì tôi nghĩ.
Góc đời dân nhập cư
Ba bộ phim tôi muốn nói đến là “Người Rơm,” (7 phút, đạo diễn Lê Hải, Anh), “A Summer Rain” (Cơn Mưa Mùa Hè, 17 phút, đạo diễn Ela Their, Mỹ) và “Delivery Day” (Ngày Giao Hàng, 26 phút, đạo diễn Jane Manning, Úc). Rất tiếc do vào hơi trễ nên tôi không xem được phim “Meet Friends, Swap Childhood.” Bối cảnh của “Người Rơm” là hình ảnh những chàng trai, cô gái đang miệt mài “dũa” trong một tiệm nail mang tên “LasVegas” ở London, Anh, và một vài cảnh sinh hoạt đời thường của họ như một ván bài chưa biết “đường binh,” một buổi cơm chiều đông đúc, một câu hát karaoke gợi nhớ quê nhà, một tối chụm nhau trước màn hình TV xem chung kết cuộc thi hoa hậu Việt Nam. Trong khi đó, “A Summer Rain” nhẹ nhàng trôi qua trong câu chuyện của một cô bé 11 tuổi từ Israel theo cha mẹ đến định cư tại Mỹ vào thập niên 1980. Qua những lá thư gởi về cho người bạn thân nơi quê nhà, cô bé thể hiện những cảm nhận về cuộc sống mới trên một đất nước có nền văn hóa khác xa quê hương cô. Những bỡ ngỡ, những khó khăn để hội nhập, cũng như nỗi nhớ nhà da diết mà cô chỉ biết làm dịu đi qua việc mỗi ngày ngồi nơi thềm nhà ngóng người đưa thư và tự hỏi, không biết hôm nay họ có mang đến cho cô những lá thư hồi âm từ người bạn. Trong nỗi nhớ quê nhà quay quắt đó, cô bé Israel tìm được sự đồng cảm qua ánh mắt một cô bé hàng xóm người Việt, cũng trạc tuổi cô, cũng là dân mới nhập cư như cô, và cũng có nỗi buồn như cô, nỗi buồn của những di dân lạc loài! Dài hơi hơn hai bộ phim trên, trong khoảng thời gian 26 phút, bộ phim “Delivery Day” lại là những cảm nhận về cuộc sống của hai thế hệ dân nhập cư ở Úc qua lăng kính của bé Trang. “Ngày Giao Hàng” là một ngày mà bé Trang phải cần có mẹ đến trường để dự buổi phỏng vấn giữa giáo viên và phụ huynh nhưng lại cũng rơi vào ngày mà những món hàng may gia công phải được giao gấp theo yêu cầu của chủ. Trong hoàn cảnh như vậy, dù muốn dù không, bé Trang và anh trai mình phải nghe lời mẹ nghỉ học ở nhà để phụ mẹ và cậu đóng hàng, giao hàng. Ðồng cảm và chia sẻ
Thực sự tôi đã không hề nghĩ rằng mình lại xúc động đến như vậy khi xem phim. Tôi không chỉ thấy rõ ràng hình ảnh gia đình tôi, bạn bè tôi và chính bản thân tôi trong những bộ phim đó mà còn có cả sự giống nhau ở những tâm tư, những tình cảm, những nỗi vui buồn qua những con người - những nhân vật quá gần gũi với cuộc sống thường nhật của mình. Hình ảnh cô bé Israel mỗi ngày ngồi trước cửa nhà ngóng chờ người đưa thư trong khu phố vắng lặng khiến tôi nhớ đến má tôi, từ một xóm chợ đông đúc ở Sài Gòn đến một con phố vắng hiếm người qua lại trên đất Mỹ, không người trò chuyện bởi vì không hiểu ngôn ngữ của người bản xứ. Niềm vui mỗi ngày của má tôi cũng là những lúc đứng rửa chén bát nơi cửa sổ ngó ra đường, để được ngắm một cụ già mỗi ngày lặng lẽ đi bộ ngang qua nhà, để được là người đầu tiên nhìn thấy người đưa thư rồi vội chạy ra xem có lá thư nào cho mình không. Ðó cũng là những chiều cùng ba tôi ngồi ngoài cầu thang của một khu chung cư để mông lung nhớ về Sài Gòn, để suy nghĩ những đắng cay cơ cực của buổi đầu lập nghiệp trên xứ người. Tôi như nhìn thấy ánh buồn câm nín của con gái tôi, của những đứa cháu tôi, qua hình ảnh cô bé đứng bên cửa sổ nhìn mưa rơi tí tách trong đêm, vừa miên man thì thầm trò chuyện với những bè bạn nơi quê nhà trong tâm tưởng vừa nghe văng vẳng tiếng cãi vã của ba mẹ bởi vì những nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh. Vang lên trong đêm còn có tiếng chì tiếng bấc của đôi vợ chồng Việt Nam nhà hàng xóm mới đến. “Cơn Mưa Mùa Hè” đó, những tiếng than thân trách phận bởi cuộc sống khắc nghiệt đó, đều là những “điều lạ” mà không phải ai cũng lường trước, khi đặt chân đến mảnh đất được gọi là thiên đường. Hình ảnh những người phụ nữ gò lưng trên những chiếc máy may, cặm cụi, miệt mài trong “Delivery Day” cũng quá gần gũi với tôi. Nó làm tôi nhớ hình ảnh anh em tôi trong suốt nhiều năm trời cứ mỗi sớm thức dậy đã vội vàng ngồi ngay vào máy, cặm cụi may, may và may, lúc ngẩng đầu nhìn đồng hồ thì đã tới giờ đến trường. Chúng tôi lại buông máy lao đi, cũng trong bộ quần áo còn đầy bụi chỉ. Tan học về lại cũng chỉ nhìn thấy chiếc máy may. Rồi cũng như trong bộ phim đó, khi một cú điện thoại từ chủ hàng gọi lại báo hàng bị lỗi, may sai, ủi cháy, lại phải lo cắm đầu gò lưng làm liền lô hàng khác để đền, sao cũng quá giống với chúng tôi đến thế. Làm sao quên được khi mà mấy anh em vừa vội vội vàng vàng tính đến trường cho kịp giờ học thì bị gọi ngược lại và được bảo: “Nghỉ học ở nhà tháo đồ, sửa!” Má tôi vừa tháo vừa khóc, anh tôi an ủi má mà cũng ngậm ngùi: “Biết cực đến mức này thì mình đâu có đi làm chi hả má!” Ba và mấy đứa em gái còn biết cách nào hơn là liền chân đạp, liền tay kéo cho kịp thời gian... Tôi cứ thắt lòng khi nhìn hình ảnh bé Trang mới ngoài 10 tuổi, cặm cụi chăm chỉ phụ việc cùng mọi người và mong sao cho công việc hoàn tất để mẹ còn kịp đến trường dự buổi họp cho em. Thiên đường là đâu, tương lai cho em là đâu nếu như cuộc sống như vậy cứ mãi tiếp diễn? Nhưng dẫu có nhọc nhằn như thế những người trong “A Summer Rain,” hay “Delivery Day,” vẫn là những người may mắn vì họ còn có thể hy vọng ở tương lai, hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng, hay sau chuyến giao hàng này lại có thêm một cơ hội mới. Trong khi đó, “Người Rơm,” như chính tên gọi của bộ phim, là thân phận của những di dân Việt Nam bất hợp pháp đang sinh sống ở Châu Âu, mà cụ thể là ở London. Bộ phim như một video gia đình bắt đầu với hình ảnh một thanh niên ngoài 20 đang quét dọn tiệm nails. Tôi nhớ câu nhân vật đó nói: “Anh quay cho em cảnh này để gởi về Việt Nam để mọi người xem và có hỏi: ‘Thằng này sang Tây làm gì?’ Thì bảo là sang Tây để đi quét nhà.” Vâng, câu nói nghe tưởng chừng như đùa nhưng lại là một sự thật, thật đến trần trụi. Họ mưu sinh bằng mọi nghề để có thể kiếm tiền gởi về quê nhà, để trả những món nợ vay mượn khi ra đi tìm một tương lai. Nhưng “Người Rơm” không chỉ canh cánh trong lòng chuyện mưu sinh, mà đè nặng trong tâm tư họ là cuộc đời của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Họ sống không cần tương lai, họ ví mình như những “người rơm” mà chỉ cần một mồi lửa là sẽ bị cháy trụi, ra tro tất cả. Vâng, cho dù có xây dựng một cơ nghiệp đàng hoàng bằng chính mồ hôi nước mắt, hay là bằng cả những hành động phạm pháp như buôn lậu, trồng cần sa... thì một sớm mai kia, khi nhà chức trách hỏi thăm đến, họ cũng trắng tay vì họ đang sống một cuộc sống tạm bợ, ngoài rìa xã hội, và bất cứ lúc nào cũng có thể bị trục xuất về cố hương. Tôi hình dung đến nhiều bạn bè và người quen cũng đang hiện diện quanh đây, cũng có cùng hoàn cảnh và tâm trạng như “Người Rơm.” “Biết cuộc sống tạm bợ là như vậy, nhưng sao vẫn cứ sống, sao không hồi hương?” Hỏi, nhưng thực ra là cũng có thể tự trả lời: “Bao nhiêu người ở Việt Nam sống ở quê nhà đang dựa vào những ‘Người Rơm’ nơi đây?” Ðôi lúc người ta không chỉ sống chỉ vì chính bản thân mình, dù mình cũng chỉ như cọng rơm mong manh trước lửa. Nếu có sự lựa chọn, có ai tự chọn làm “Người Rơm”?
Những thông điệp Dẫu cho tôi đã phải rơi nước mắt qua những bộ phim rất ngắn đó nhưng tôi cảm thấy vui khi bước chân ra khỏi phòng chiếu phim, khi nhớ đến nụ cười thân thiện của hai đứa bé Việt Nam và Israel ngồi sát lại gần nhau trong “A Summer Rain,” cũng như nụ cười của hai anh em Trang trong “Delivery Day” khi cùng nhau tung hứng quả bóng, tung đi hết những vất vả mưu sinh, chỉ giữ lại niềm vui nho nhỏ có được trong ngày. Và tôi hiểu bằng những tình cảm trong sáng, hồn hậu, bằng một niềm chia sẻ và cảm thông đến vô cùng đó, những nhọc nhằn đắng cay của buổi đầu hội nhập và mưu sinh của những mảnh đời di dân rồi đây sẽ chỉ còn là kỷ niệm, khi mà mỗi chúng ta tự biết vươn lên, tự khẳng định chính mình, tự trả lời được cho mình câu hỏi “Vì sao ta có mặt nơi đây?” Mỹ, Úc, hay Anh... có là thiên đường thực sự hay không ngoài việc chính phủ các nước đó cho chúng ta một cơ hội, thì phần còn lại là chính chúng ta nắm giữ cơ hội đó như thế nào! Cuối cùng, như đã nói từ đầu, tôi cảm nhận phim bằng cảm quan của một người thường. Với tôi, một bộ phim hay là bộ phim đã chạm được những ngóc ngách đời thường nhất mà ai cũng dễ thấy mình hiện diện trong đó. Ba bộ phim đã chạm sâu vào tâm thức tôi, chỉ để cuối cùng tôi cảm nhận được rằng những gì tôi nhận được nơi đây thật quý giá, cho dù trăm năm sau, tôi vẫn chỉ là một trong những di dân lạc loài. (N.L.) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét